Các loại rau củ quả trước khi thu hoạch sẽ có hương vị và chất lượng tốt nhất, bởi vậy sau thu hoạch cần có biện pháp bảo quản để giúp giữ được độ tươi ngon cho tới khi chuyển tới tay người tiêu dùng. Hơn nữa, giá cả rau củ quả có sự biến động mạnh theo thời gian và khoảng cách. Việc bảo quản rau củ quả trong một thời gian dài mà vẫn giữ được chất lượng sẽ có ý nghĩa lớn trong việc điều phối sản phẩm qua các mùa vụ và điều phối sản phẩm giữa các vùng miền.
Cách bố trí nguyên liệu trong kho bảo quản
- Khi thu hoạch rau quả cần thu hái đúng thời vụ, đúng độ chín, tránh thu hoạch quá non, tránh những ngày mưa, phải loại bỏ những rau quả bị sâu bệnh và dập nát.
- Trong các kho bảo quản rau củ quả, sản phẩm trong kho có thể đổ đống (thường là rau dạng củ như khoai tây, cà rốt hoặc một số loại quả như dứa, cam, quýt…).
- Tuy nhiên, phần lớn các loại rau quả được xếp trong thùng carton đục lỗ, sọt nhựa rồi xếp thành chồng cao khoảng 4m. Giữa các thùng, sọt rau quả có phân cách để không đè lên nhau. Khối lượng rau quả chứa trong kho có thể tính theo kích thước kho và chiều cao chứa hàng.
- Phòng kho bảo quản thường có thông gió cưỡng bức thường cao 4.5 –4.8m, có rãnh hút gió dưới sàn nhà (rộng 2cm). Sử dụng quạt có công suất thổi 12550m3 không khí/ 1 tấn sản phẩm/ 1 giờ, nghĩa là có thể đảm bảo cho không khí trong kho được thay đổi 20 – 30 lần trong 1 giờ.
Các phương pháp bảo quản rau củ quả
Phương pháp bảo quản ở điều kiện thường
Bảo quản rau củ quả ở điều kiện kho thường. Chế độ nhiệt, ẩm và thành phần không khí trong kho được điều chỉnh nhờ sử dụng hệ thống thông gió. Phương pháp này thường áp dụng để bảo quản rau, quả trong thời gian ngắn.
Phương pháp thông gió tự nhiên
Thông gió tự nhiên xảy ra theo nguyên tắc đối lưu nhiệt. Không khí nóng nhẹ di chuyển lên trên, không khí lạnh nặng di chuyển xuống dưới gây ra sự tự hút và đẩy. Tốc độ chuyển động của không khí tuỳ thuộc vào sự chênh lệch áp
suất.
Thông gió tự nhiên có ưu điểm là đơn giản, rẻ tiền. Tuy nhiên cũng có nhược điểm như nông sản ít cách ly với môi trường bên ngoài nên sinh vật hại dễ xâm nhập gây hại. Do nông sản hô hấp mạnh nên tổn thất khối lượng lớn. Phải tính toán đúng thời điểm thông gió thì mới có lợi.
Thông gió tích cực
Thông gió tích cực là chủ động thông gió nhờ thiết bị. Thiết bị dùng cho thông gió tích cực là quạt hoặc máy thổi không khí. Tùy thuộc vào loại nông sản và khối lượng nông sản trong kho mà phải bố trí một số quạt thích hợp.
Phương pháp bảo quản lạnh
Hạ thấp nhiệt độ trong môi trường bảo quản để hạn chế cường độ hô hấp của rau quả, ngăn ngừa sự phát triển gây hại của sinh vật. Đây là phương pháp có thể dùng để bảo quản rau quả tươi dài ngày.
Chế độ bảo quản lạnh rau quả: Có hai chế độ bảo quản lạnh cho rau quả.
* Bảo quản lạnh – mát: Nhiệt độ trong kho được điều chỉnh trong khoảng 0 – 15 oC. Chế độ nhiệt này có thể áp dụng cho đa số các sản phẩm rau quả. Tuy nhiên, nhiệt độ bảo quản cho từng loại rau quả cụ thể phải điều chỉnh phụ thuộc vào nguồn gốc xuất xứ và khả năng chịu nhiệt của chúng.
Ví dụ: 0-3oC đối với loại rau quả không bị tổn thương lạnh, 7.5-15oC đối với loại rau quả tương đối dễ bị tổn thương lạnh, 13-20oC đối với loại rau quả dễ bị tổn thương lạnh.
Ưu điểm của bảo quản lạnh là giữ được giá trị cảm quan và dinh dưỡng của rau quả. Tuy nhiên một số vi sinh vật chịu lạnh vẫn có thể tồn tại và gây hư hỏng nếu bảo quản dài ngày.
* Bảo quản lạnh đông: Nhiệt độ trong kho trong khoảng -18 – OoC. Loại kho này dùng để bảo quản rau quả lạnh đông. Đây là dạng rau quả đã được sơ chế (làm sạch, gọt vỏ, tạo hình) rồi làm lạnh đông nhanh trên dây chuyền làm
lạnh, sau đó được bảo quản ở nhiệt độ -18oC cho đến tận khi sử dụng. Ở nhiệt độ này tế bào thường bị đóng băng nên sau khi đưa ra khỏi điều kiện lạnh là phải sử dụng ngay.
Phương pháp bảo quản bằng điều chỉnh thành phần khí quyển
Thay đổi thành phần (O2, CO2, N2) và tỷ lệ chất khí trong môi trường bảo quản nhằm hạn chế cường độ hô hấp của rau quả, ngăn ngừa sự xâm nhập và phát triển của dịch hại.
Bảo quản trong khí quyển cải biến (MA):
Việc sử dụng các loại vật liệu khác nhau để tạo ra môi trường bảo quản tuỳ thuộc vào: Đặc điểm của rau quả, thể tích rau quả chiếm chỗ trong môi trường bảo quản, độ chín, độ già của rau quả, nhiệt độ, ẩm độ môi trường, khả năng thấm nước, khí của các loại vật liệu
Một số vật liệu thường sử dụng:
- Với rau quả tươi, các vật liệu thường được sử dụng trong bảo quản là giấy, chất dẻo (màng PE, PP, PVC, PET, xelophan), màng sáp.
- Màng PE cho O2, dầu mỡ thấm qua trong khi màng PVC không cho hơi nước, không khí và mỡ thấm qua.
- Màng xelophan cho tia cực tím và hơi ẩm đi qua nhưng lại hạn chế các chất khí và dầu mỡ.
- Các loại màng sáp (tự nhiên và tổng hợp) bao gồm chất tạo màng, chất diệt nấm và phụ gia cũng được áp dụng rộng rãi và cho kết quả bảo quản tốt.
Bảo quản rau quả trong khí quyển cải biến có ưu điểm là giá thành thấp hơn so với khí quyển kiểm soát, vật liệu bảo quản đơn giản và dễ sử dụng. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là khó kiểm soát và khống chế nồng độ chất khí trong môi trường nên sau một thời gian bảo quản, rau quả có thể hô hấp yếm khí làm giảm mùi thơm và chất lượng. Ngoài ra, nếu không kiểm soát được ẩm độ của môi trường thì rau quả cũng có thể bị hư hỏng do vi sinh vật.
Bảo quản bằng hoá chất
Xử lý hóa chất cho rau củ quả để kìm hãm hoạt động sinh lý, tiêu diệt hoặc ức chế hoạt động của sinh vật hại.
Các loại hoá chất dùng cho rau củ quả
- Hóa chất chống nảy mầm: Các chất chống nảy mầm thường dùng là M1, M2, MH. Chế phẩm M1 (ester metylic của α-naphtylaxetic) có tác dụng ức chế sự mọc mầm của củ khoai tây (không có khả năng diệt mầm) nên có thể dùng cho cả khoai tây giống và khoai tây thương phẩm.
- Hóa chất phòng trừ bệnh hại: Xử lý hóa chất phòng trừ bệnh hại sau thu hoạch trở nên phổ biến hơn trong khoảng 30 năm trở lại đây, đặc biệt trong việc thương mại các sản phẩm tươi chư cam, chuối và nho. Mức độ xử lý phụ thuộc vào chiến lược thương mại hóa nông sản và kiểu lây nhiễm của vi sinh vật hại.
Bảo quản bằng chiếu xạ
Khi chiếu tia bức xạ vào nông sản, năng lượng phóng xạ tác động vào các phần tử trong nông sản, gây ra các phản ứng hoá học làm biến đổi chiều hướng của hoạt động trao đổi chất trong nông sản, đồng thời tiêu diệt sinh vật hại.
Các dạng bức xạ ion hóa: Khi chiếu xạ lên nông sản, tùy thuộc vào đặc điểm của nông sản mà có 2 loại quá trình ion hoá xảy ra:
* Sự ion hoá trực tiếp: thành phần hoá học trong nông sản bị tác động phóng xạ phân ly thành các ion, rồi các ion phản ứng với nhau tạo thành chất mới. Dạng ion hóa này thường xảy ra trên các nông sản khô như hạt.
* Sự ion hoá gián tiếp: tia bức xạ tác động lên phân tử H2O, phân ly thành ion H+ (chất khử) và OH– (chất oxi hoá). Dạng ion hóa này thường xảy ra khi chiếu xạ các sản phẩm rau quả có chứa nhiều nước.
Ban biên tập Ifood
>>> Nếu bạn có nhiều các loại nông sản, rau – củ – quả và cần đến một phương pháp bảo quản tối ưu – sản phẩm được mọi người ưu chuộng thì hãy liên hệ ngay Dịch vụ sấy nông sản của chúng tôi Hotline: 0942 661 626 (Ms. Hạnh) – 0942 662 121 ( Ms Huyền) hoặc truy cập link để rõ hơn về chi tiết https://nongsansay.vn/nhan-gia-cong-san-xuat-nong-san-say-cac-loai/